Tin Tức

Phát triển thụt lùi ở trẻ: Đây là hiện tượng gì và làm thế nào để hỗ trợ trẻ

07/27/2022

Bạn nhận thấy con mình có tiến bộ vượt bậc (chẳng hạn, cuối cùng cũng biết tự đi vệ sinh), nhưng sau đó lại thụt lùi (từ chối sử dụng nhà vệ sinh)? Bạn không phải là người duy nhất. Phát triển thụt lùi là hiện tượng phổ biến ở trẻ đang lớn, đặc biệt là trẻ mới biết đi. Chúng tôi đã trao đổi với TS. Nancy Close - Trợ lý Giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Trẻ em, Đại học Y Yale, kiêm Phó Giám đốc Chương trình Giáo dục Mầm non của Đại học Yale về nguyên nhân gây ra hiện tượng phát triển thụt lùi và cách bạn có thể hỗ trợ trẻ vượt qua giai đoạn này.

Phát triển thụt lùi là gì? Nguyên nhân gây ra phát triển thụt lùi?

TS. Close chia sẻ: “Tôi hay đặt khái niệm thụt lùi đi đôi với khái niệm tiến bộ. Đa số trẻ em đều có động lực tiến về phía trước mạnh mẽ trong quá trình phát triển (tiến bộ). Năng lượng khám phá, vận dụng và làm chủ thế giới xung quanh là bản năng tự nhiên ở trẻ.”

Song, đi liền với niềm háo hức khi được học những điều mới là nỗi căng thẳng. Chẳng hạn khi tập đi, bé có thể cảm thấy vui thích khi học được một kỹ năng mới, nhưng nhận ra khoảng cách giữa mình và cha mẹ xa hơn hoặc sợ bị ngã.

TS. Close giải thích: “Những chướng ngại này xuất hiện trên con đường phát triển tiến bộ của trẻ có thể khiến trẻ choáng ngợp và phát triển thụt lùi”.

Biểu hiện của hành vi phát triển thụt lùi là gì?

Thụt lùi biểu hiện dưới nhiều hành vi khác nhau, nhưng nhìn chung, trẻ cử xử trẻ con hơn hoặc dựa dẫm hơn so với độ tuổi. Ví dụ, trẻ ăn vạ nhiều hơn, khó ngủ, lười ăn hoặc quay trở lại lối nói chuyện trẻ con hơn. Nếu trẻ đã học được một kỹ năng nào đó, chẳng hạn như tự mặc quần áo, thì biểu hiện thụt lùi có thể là trẻ mất đi kỹ năng này. Theo lời TS. Close, “Đột nhiên, trẻ không thể làm được những gì trước đây trẻ có thể làm.”

Phát triển thụt lùi xảy ra khi nào?

Thông thường, bạn sẽ bắt gặp hành vi phát triển thụt lùi ở trẻ mới biết đi và trẻ mầm non, nhưng thật ra, hiện tượng này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi - thậm chí ở trẻ sơ sinh và trẻ lớn. Hiện tượng phát triển thụt lùi ở trẻ sơ sinh có thể không biểu hiện rõ ràng. Bé có thể bám bạn hơn, đòi bú nhiều hơn, quấy khóc nhiều hơn bình thường.

Hiện tượng phát triển thụt lùi có phổ biến hay không?

Bạn yên tâm, phát triển thụt lùi là một hiện tượng phổ biến. Trên thực tế, đây là điều bình thường và rất có ích đối với sự phát triển sau này của trẻ. Hãy hình dung nó như một cách trẻ chuẩn bị bản thân để gánh vác trách nhiệm lớn hơn. TS. Close nói: “Tôi thấy một số trẻ thụt lùi ngay trước khi sắp có một bước tiến nhảy vọt, hoặc ngay sau khi có một bước tiến nhảy vọt. Theo tôi, nguyên nhân gây ra hiện tượng phát triển thụt lùi cũng như biểu hiện của nó ở mỗi trẻ là khác nhau.  Thông thường, cha mẹ cần làm quen với những quy luật ở trẻ khi trẻ tiến bộ nhưng sau đó cần thụt lùi một chút.” Phát triển thụt lùi cũng thường xảy ra khi trẻ phải thích nghi với tình huống mới, chẳng hạn như lên chức anh/chị hoặc lần đầu tiên đi nhà trẻ.

Cha mẹ có thể làm gì để hỗ trợ con vượt qua giai đoạn phát triển thụt lùi?

Trấn an trẻ. Cho trẻ biết rằng trẻ luôn được che chở và hỗ trợ. Cho trẻ thấy rằng bạn có để ý thấy trẻ thụt lùi nhưng không khiến trẻ cảm thấy xấu hổ. TS. Close khuyên cha mẹ thử những cách sau đây: “Con đang học rất nhiều thứ mà các anh/chị lớn làm. Vất vả lắm con nhỉ? Đôi khi con có thể cần cha/mẹ giúp.”

Chơi cũng là một công cụ hữu ích giúp trẻ vượt qua chướng ngại cảm xúc. Theo TS. Close, “Những trò chơi kích thích trí tưởng tượng và mang tính biểu tượng là phương tiện mà trẻ sử dụng để phát triển ngôn ngữ, tư duy và ý niệm về thế giới. Chơi là một cách để trẻ thể hiện những khó khăn về mặt xã hội và cảm xúc mà trẻ đang gặp phải, ngay cả khi không thể biểu đạt bằng lời nói.” Bằng cách quan sát con chơi và chơi với con, bạn có thể biết được nhiều điều về những gì đang xảy ra với con mình.

Đôi khi, trẻ có thể cần thụt lùi trong một khoảng thời gian. Cha mẹ cần trấn an trẻ, nhưng đồng thời cũng đặt ra những kỳ vọng và giới hạn nhất định. TS. Close chia sẻ: “Nhận ra mình không phải là bá chủ thế giới là một điều khó khăn đối với trẻ mới biết đi!  Bởi vậy, trẻ thường ăn vạ rất nhiều. Đừng xa lánh trẻ. Hãy giúp trẻ tìm ra cách biểu đạt những cảm xúc khó diễn tả này sao cho thích ứng với tình hình và phù hợp với độ tuổi.” Ngồi lại với con, xoa dịu và trấn an con, đồng thời cùng con suy ngẫm về những cảm xúc vừa trải qua.  Chẳng hạn, “Con giận vì bạn không cho con đồ chơi nên con đẩy bạn phải không. Lần sau, con có thể bảo bạn là chúng mình chơi theo lượt và nhờ thầy cô giúp con.”

Nguồn: unicef.org