Tin Tức

Các phương pháp giảng dạy Tiếng Anh mới hiệu quả

07/27/2022

Là giáo viên, ai cũng mong muốn học trò của mình học tập tiến bộ từng ngày, có kết quả học tập trên cả mong đợi. Đó cũng chính là lý do vì sao, hiện nay bên cạnh các phương pháp học tập truyền thống, người dạy luôn luôn cập nhật, đan xen những phương pháp dạy học mới để giúp cho công việc giảng dạy đạt được kết quả tốt hơn.

Trong bài viết sau đây, hãy cùng chúng tôi khám phá những phương pháp dạy Tiếng Anh mới hiệu quả mà giáo viên có thể áp dụng ngay trong quá trình dạy học của mình.

Lập kế hoạch dạy học chi tiết để học sinh có thể dễ dàng tiếp cận một ngôn ngữ mới khác với ngôn ngữ mẹ đẻ

Kế hoạch dạy học là công cụ để giáo viên có thể dễ dàng dẫn dắt, làm chủ lớp học của mình. Không chỉ đối với bộ môn Tiếng Anh, mà bất kỳ môn học nào khác, kế hoạch dạy học cần được thể hiện một cách chi tiết nhất, và được thiết kế riêng cho từng đối tượng để giúp học sinh “được học” và “học được” nhiều điều hay, thú vị.

Kế hoạch dạy học thường hướng tới lợi ích của học sinh. Hay nói cách khác, kế hoạch dạy học lấy người học làm trung tâm. Trong mỗi tiết học Tiếng Anh, học sinh không chỉ được học về ngữ pháp và từ vựng, mà còn được tạo điều kiện tốt nhất để có thể phát triển vốn ngôn ngữ của mình và tự tin hơn trong giao tiếp hàng ngày.

Trước tiên, để kế hoạch dạy học được triển khai hiệu quả nhất thì giáo viên phải là người nắm rõ nhu cầu và mong đợi của học sinh. Để từ đó thiết kế các nội dung, hoạt động học tập phù hợp, giúp tạo hứng thú cho học sinh chinh phục tri thức mới.

Điều chỉnh cách tiếp cận ngoại ngữ phù hợp với từng học sinh

Mỗi học sinh đều có những trí thông minh nổi trội của riêng mình. Chính điều này làm nên những nét cá tính riêng biệt không ai nhầm lẫn với ai. Theo đó, người dạy học cần áp dụng những cách tiếp cận với ngoại ngữ khác nhau, để giúp các em cảm thấy thoải mái và hứng thú với ngôn ngữ Tiếng Anh.

Đồng thời, việc đánh giá kết quả học tập bộ môn Tiếng Anh cũng cần được đánh giá một cách khách quan, toàn diện để đưa ra những kết quả chính xác nhất về khả năng học Tiếng Anh của từng học sinh. Các bài kiểm tra nhỏ hoặc việc hoàn thành các nhiệm vụ riêng lẻ chính là điểm cộng cho sự tích lũy kiến thức hàng ngày của các em.

Cách tiếp cận bộ môn Tiếng Anh đơn giản và phù hợp nhất đối với từng đối tượng chính là giáo viên phải tự trả lời được câu hỏi: học sinh thực sự cần gì. Sau đó tập trung vào điều đó và mở rộng phát triển chủ đề để học sinh có thể dễ dàng tiếp cận và tập trung tối đa vào từng chủ đề.

Sử dụng sách, giáo trình từ vựng chuyên biệt

Sách, giáo trình, tài liệu tham khảo,... cung cấp nền tảng kiến thức cốt lõi cho học sinh. Đối với học sinh, có vô vàn những nguồn tài liệu được phát hành phù hợp cho riêng từng độ tuổi, lớp học. Sử dụng đúng nguồn tài nguyên để tiếp cận giúp cho học sinh học ngoại ngữ đạt hiệu quả tốt nhất.

Có thể thấy rõ điều này trong bộ sách Tiếng Anh Global Success vừa mới ban hành của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hiện nay. Sách cung cấp đầy đủ tri thức, phân chia theo từng cấp học, lớp học với những mục tiêu cần đạt được cực kỳ chi tiết. Đảm bảo sau khi hoàn thành một chương trình, học sinh đáp ứng được các tiêu chí đã đề ra.

Bên cạnh đó, bộ sách cũng tập trung phát triển cả 4 kỹ năng ngoại ngữ: Nghe - Nói - Đọc - Viết, để học sinh trở thành những con người công dân toàn cầu toàn diện, tự tin sử dụng kỹ năng ngoại ngữ trong giao tiếp hàng ngày phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể.

Ứng dụng công nghệ trong dạy học

Sự phát triển của ngành giáo dục không nằm ngoài sự phát triển của công nghệ hiện đại thời 4.0. Có thể khẳng định, nhờ vào các tính năng hỗ trợ từ thiết bị công nghệ đã giúp cho công việc giảng dạy đạt được hiệu quả cao hơn.

Hiện nay, các nguồn học liệu điện tử, các ứng dụng học ngoại ngữ đã góp phần làm nên sự thành công của công việc dạy học. Không chỉ giúp các em có thêm nguồn tư liệu học tập mở rộng, mà còn tạo được sự hứng thú, kích thích tâm lý học Tiếng Anh của người học.

Như vậy, các phương pháp dạy học Tiếng Anh đang ngày càng đổi mới để phù hợp hơn với người học, với đặc điểm của thời đại mới. Đòi hỏi người dạy phải có cả kiến thức chuyên môn lẫn kỹ năng sư phạm thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu của sứ mệnh “trồng người”.