Nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu học ngoại ngữ của học sinh và yêu cầu đa dạng của xã hội về đào tạo nguồn nhân lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 19/2021/TT-BGDĐT ban hành Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngoại ngữ 1 gồm Tiếng Nga, Tiếng Nhật, Tiếng Pháp và Tiếng Trung Quốc. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 16 tháng 8 năm 2021 và thay Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05 tháng 5 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành Chương trình giáo dục phổ thông.
Theo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, học sinh phổ thông bắt buộc phải học một ngoại ngữ (gọi là Ngoại ngữ 1) và được tự chọn thêm ít nhất một ngoại ngữ khác (gọi là Ngoại ngữ 2) theo nguyện vọng của mình và khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục.
Ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc
Ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc từ lớp 3 đến lớp 12. Cơ sở giáo dục có thể tổ chức học Ngoại ngữ 1 bắt đầu từ lớp 1, nếu học sinh có nhu cầu và cơ sở giáo dục có khả năng đáp ứng.
Ngoại ngữ 1 gồm các môn: Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Nga, Tiếng Nhật. Ngày 09/02/2021, Bộ GD&ĐT đã có quyết định ban hành Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Hàn và Tiếng Đức - Ngoại ngữ 1, hệ 10 năm thí điểm (Quyết định số 712/QĐ-BGD&ĐT ngày 9/2/2021).
Chương trình giáo dục phổ thông ngoại ngữ 1 tuân thủ các quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thời lượng dạy học môn học. Cụ thể, mỗi môn đều có thời lượng 1.155 tiết (gồm cả số tiết ôn tập và kiểm tra, đánh giá). Trong đó, cấp Tiểu học có tổng số 420 tiết (4 tiết/tuần); cấp Trung học cơ sở có tổng số 420 tiết (3 tiết/tuần); cấp Trung học Phổ thông có tổng số 315 tiết (3 tiết/tuần).
Lộ trình dạy các môn ngoại ngữ 1 được ban hành tại Thông tư này sẽ được thực hiện theo quy định tại Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT cụ thể như sau:
(1) Từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1.
(2) Từ năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6.
(3) Từ năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10.
(4) Từ năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11.
(5) Từ năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.
Việc ban hành Chương trình giáo dục phổ thông các môn ngoại ngữ 1 cũng là cơ sở để triển khai biên soạn, lựa chọn bộ sách giáo khoa tương ứng và các tài liệu tham khảo đi kèm.
Học sinh có thể tự chọn học ngoại ngữ 2
Bên cạnh việc bắt buộc học ngoại ngữ 1 thì học sinh được tự lựa chọn học ngoại ngữ 2. Căn cứ vào ngoại ngữ thứ nhất, học sinh có thể chọn một trong bảy ngoại ngữ nói trên là ngoại ngữ thứ hai. Ví dụ, học sinh đã học tiếng Anh là ngoại ngữ thứ nhất thì có thể chọn học tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Nhật hoặc tiếng Trung Quốc như ngoại ngữ thứ hai.
Ngoại ngữ 2 được tổ chức giảng dạy có thể từ lớp 6 đến hết lớp 12 tùy theo nhu cầu của học sinh và khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục, được xây dựng theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam với tổng thời lượng là 735 tiết (mỗi tiết là 45 phút) bao gồm cả các tiết ôn tập, kiểm tra và đánh giá.
NXBGDVN hợp tác phát triển sách giáo khoa ngoại ngữ 1 và ngoại ngữ 2 môn Tiếng Nhật, Tiếng Hàn bậc phổ thông
Thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, chương trình SGK giáo dục phổ thông, NXBGDVN đã hợp tác phát triển sách giáo khoa Tiếng Nhật và sách giáo khoa Tiếng Hàn bậc phổ thông theo Chương trình GDPT mới cùng các đối tác trong và ngoài nước.
Việc xây dựng bộ sách giáo khoa Tiếng Nhật và Tiếng Hàn bậc phổ thông và thúc đẩy giáo dục Tiếng Nhật, Tiếng Hàn theo chương trình GDPT mới có ý nghĩa quan trọng trong việc đổi mới chương trình giáo dục, hoàn thiện trọn bộ SGK với đầy đủ các môn học ngoại ngữ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, đáp ứng được các yêu cầu và mục tiêu chương trình các môn ngoại ngữ đề ra.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam mong muốn và hy vọng rằng các bộ SGK Tiếng Nhật, SGK Tiếng Hàn theo chương trình GDPT bước đầu sẽ giúp các em học sinh hình thành, phát triển năng lực ngôn ngữ phục vụ cho nhu cầu học tập và giao tiếp, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của đất nước.