Trong giáo dục đào tạo, quá trình tổng kết đánh giá học sinh cần được thực hiện qua nhiều cách thức và nội dung theo đúng quy định. Giáo viên phải viết đánh giá, nhận xét học sinh về nhiều mặt như phẩm chất, năng lực,...Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT do Bộ GD&ĐT ban hành về quy định đánh giá học sinh Tiểu học có hiệu lực thi hành từ ngày 20/10/2020 với nhiều nội dung đổi mới so với trước đây.
Vậy hãy cùng Sách Mềm tìm hiểu về những điểm mới trong Quy định đánh giá học sinh Tiểu học nhé!
- Lộ trình áp dụng đánh giá học sinh
Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT về đánh giá học sinh tiểu học sẽ được thực hiện theo lộ trình sau:
- Từ năm học 2020 - 2021 với học sinh lớp 1;
- Từ năm học 2021 - 2022 với học sinh lớp 2;
- Từ năm học 2022 - 2023 với học sinh lớp 3;
- Từ năm học 2023 - 2024 với học sinh lớp 4;
- Từ năm học 2024 - 2025 với học sinh lớp 5.
- Giáo viên sử dụng linh hoạt, phù hợp các phương pháp đánh giá
Đây cũng là một nội dung nổi bật của Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT. Theo đó, giáo viên được sử dụng linh hoạt, phù hợp các phương pháp đánh giá khi đánh giá thường xuyên về nội dung học tập các môn học, hoạt động giáo dục và về sự hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Đây là nội dung không được quy định ở Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT.
-
Đề kiểm tra định kỳ chỉ còn 03 mức độ
Theo Điều 7 của Quy định. đề kiểm tra dành cho học sinh Tiểu học được thiết kế theo 03 mức độ thay vì 04 mức độ theo Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT như sau:
- Mức 1: Nhận biết, nhắc lại hoặc mô tả được nội dung đã học và áp dụng trực tiếp để giải quyết một số tình huống, vấn đề quen thuộc trong học tập;
- Mức 2: Kết nối, sắp xếp được một số nội dung đã học để giải quyết vấn đề có nội dung tương tự;
- Mức 3: Vận dụng các nội dung đã học để giải quyết một số vấn đề mới hoặc đưa ra những phản hồi hợp lý trong học tập và cuộc sống.
- Giáo viên Tiểu học có thể chấm 0 điểm bài kiểm tra
Theo Điều 7 Quy định đánh giá học sinh Tiểu học, giáo viên được sửa lỗi, nhận xét bài kiểm tra và cho điểm theo thang điểm 10, không cho điểm thập phân và trả lại cho học sinh. So với quy định hiện hành tại Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT, Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT đã bỏ quy định "không cho điểm 0" đối với bài kiểm tra của học sinh tiểu học.
- Vai trò của phụ huynh trong đánh giá thường xuyên
Trong khi Thông tư 22/2016 quy định “Khuyến khích cha mẹ học sinh trao đổi với giáo viên”, Thông tư 27/2020 đã quy định rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của phụ huynh trong việc phối với với giáo viên, nhà trường:
- Cha mẹ học sinh trao đổi với giáo viên về các nhận xét, đánh giá học sinh bằng các hình thức phù hợp và phối hợp với giáo viên động viên, giúp đỡ học sinh học tập, rèn luyện.
- Cha mẹ học sinh trao đổi, phối hợp với giáo viên động viên, giúp đỡ học sinh rèn luyện và phát triển từng phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi.
6. Học sinh có cố gắng trong học tập có thể được nhận thư khen
So với Thông tư 22/2016 về nội dung khen thưởng cho học sinh, Thông tư 27 đã bổ sung thêm hình thức khen thưởng "gửi thư khen". Theo đó, học sinh có thành tích, cố gắng trong quá trình học tập, rèn luyện phẩm chất, năng lực hoặc có những việc làm tốt có thể được cán bộ quản lý và giáo viên gửi thư khen nhằm ghi nhận, biểu dương tinh thần cố gắng rèn luyện và tích cực làm việc tốt của các em học sinh Tiểu học.