Hiện nay việc vận dụng phương pháp dạy học tích cực đã mang lại hiệu quả cao khi tăng cường được sự hứng thú của học sinh trong mỗi giờ học. Đồng thời cũng phát huy được tính tích cực, chủ động, tư duy của học sinh.
Để việc giảng dạy đạt được hiệu quả cao nhất, trong bài viết dưới đây Sách Mềm sẽ giới thiệu 4 phương pháp dạy học tích cực đối với học sinh tiểu học để quý thầy cô cùng tham khảo.
Phương pháp dạy học tích cực là gì?
Phương pháp dạy học tích cực (PPDH tích cực) là một thuật ngữ được dùng để chỉ những phương pháp giáo dục, dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của người học.
"Tích cực" trong phương pháp dạy học tích cực được dùng với nghĩa là hoạt động chủ động, PPDH tích cực hướng đến việc hoạt động hóa, tích cực hóa hoạt động nhận thức của người học.
Điều này có nghĩa là tập trung vào phát huy tính tích cực của người học chứ không phải là tập trung vào phát huy tính tích cực của người dạy. Tuy nhiên để dạy học theo phương pháp tích cực thì giáo viên phải nỗ lực hơn nhiều so với dạy theo phương pháp thụ động. Và việc đổi mới phương pháp dạy học cần có sự kết hợp của cả thầy và trò, sự phối hợp nhịp nhàng hoạt động dạy với hoạt động học thì mới có thể thành công.
Các phương pháp dạy học tích cực
Dưới đây là 4 phương pháp dạy học tích cực phổ biến nhất đối với học sinh tiểu học.
Phương pháp vấn đáp
Vấn đáp là một phương pháp mà giáo viên đặt ra câu hỏi để cho học sinh trả lời, hoặc học sinh tranh luận với nhau, với cả giáo viên. Qua đó học sinh sẽ lĩnh hội được nội dung bài học một cách dễ dàng cũng như phát huy kỹ năng tư duy, kỹ năng giao tiếp và biện luận.
Căn cứ vào tính chất hoạt động nhận thức mà người ta phân biệt các loại phương pháp vấn đáp gồm:
- Vấn đáp tái hiện: Giáo viên đặt ra câu hỏi chỉ yêu cầu học sinh nhớ lại kiến thức đã biết và trả lời dựa vào trí nhớ mà không cần suy luận. Đây không được xem là phương pháp có giá trị sư phạm mà được coi là biện pháp được dùng khi cần đặt mối liên hệ giữa các kiến thức vừa mới học.
- Vấn đáp giải thích - minh hoạ: Với mục đích làm sáng tỏ một đề tài nào đó, giáo viên lần lượt nêu ra những câu hỏi kèm theo những ví dụ minh hoạ để học sinh dễ hiểu và dễ nhớ. Phương pháp này đặc biệt có hiệu quả khi có sự hỗ trợ của các phương tiện nghe và nhìn.
- Vấn đáp tìm tòi: Giáo viên sử dụng một hệ thống câu hỏi được sắp xếp hợp lý để hướng học sinh từng bước phát hiện ra bản chất của sự vật, tính quy luật của hiện tượng đang tìm hiểu. Đồng thời kích thích sự ham muốn hiểu biết. Giáo viên tổ chức trao đổi ý kiến, tranh luận giữa thầy/cô với cả lớp, có khi giữa trò với trò nhằm giải quyết một vấn đề xác định.
Phương pháp đặt và giải quyết vấn đề
Trong một xã hội đang phát triển nhanh theo cơ chế cạnh tranh thị trường, việc phát hiện và giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn một cách hợp lý được coi là năng lực đảm bảo sự thành công của cá nhân trong cuộc sống.
Do vậy trong các lớp học, giáo viên có thể đặt ra những tình huống và phương án giải quyết những vấn đề gặp phải trong học tập. Điều này không chỉ có ý nghĩa về mặt phương pháp dạy học mà cần được đặt ra như một mục tiêu đào tạo và giáo dục.
Phương pháp hoạt động nhóm
Lớp học thường được chia thành từng nhóm nhỏ từ 4-6 người. Tùy vào mục đích, yêu cầu của vấn đề học tập mà các nhóm được phân chia ngẫu nhiên hay có chủ định, được duy trì ổn định hay thay đổi trong từng phần của tiết học. Hoặc thậm chí được giao cùng một nhiệm vụ hay những nhiệm vụ khác nhau.
Trong nhóm có thể phân công mỗi người một phần việc nhỏ, mỗi thành viên đều phải làm việc tích cực và không được ỷ lại vào một vài người hiểu biết. Các thành viên trong nhóm giúp đỡ nhau tìm hiểu ra vấn đề đã nêu trong không khí thi đua với các nhóm khác.
Theo đó, kết quả làm việc của mỗi nhóm sẽ đóng góp vào kết quả học tập chung của cả lớp. Để trình bày kết quả làm việc của nhóm trước toàn lớp, nhóm có thể cử ra một bạn đại diện hoặc phân công mỗi thành viên trình bày một phần nếu nhiệm vụ giao cho nhóm phức tạp.
Phương pháp tạo không gian, thời gian
Nhìn chung đây cũng là một phương pháp được áp dụng phổ biến tại các trường Tiểu học trên cả nước. Theo đó giáo viên sẽ là người mang nguồn cảm hứng đến với các em thông qua sự điều hướng của mình. Nếu cảm thấy hứng thú, muốn tìm hiểu thì sẽ dành khoảng thời gian nhất định để các em có cơ hội tìm tòi và học hỏi.
Một khi ý thức học tập được nâng cao thì học sinh sẽ tiếp thu bài học hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, học sinh cũng sẽ được giáo viên đưa ra đề tài để kích thích tư duy mới mẻ và tạo ra nhiều ý tưởng để bài học trở nên phong phú hơn.
Việc tự học còn giúp các em nhanh chóng nâng cao tính chủ động một cách tốt nhất, sau này khi gặp vấn đề gì thì các em cũng không quá hoang mang vì bản thân đã được chuẩn bị tâm lý một cách vững vàng