Tin Tức

Phát triển SGK tiếng Nhật theo Chương trình GDPT 2018

10/05/2022

Tiếng Nhật được giảng dạy tại Việt Nam từ nửa cuối của thế kỷ 20, và phát triển mạnh dần từ đó đến nay. Từ năm 2003, tiếng Nhật đã được đưa vào giảng dạy như môn ngoại ngữ 1 từ lớp 6. Năm 2007, tiếng Nhật trở thành môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông và môn thi tuyển sinh đại học tại Việt Nam. Theo chương trình giáo dục phổ thông mới (bắt đầu thực hiện từ năm học 2020), tiếng Nhật trở thành một trong các ngoại ngữ được lựa chọn để học như môn học ngoại ngữ bắt buộc tức ngoại ngữ 1 (bắt đầu học từ lớp 3) và như môn ngoại ngữ 2 (có thể bắt đầu học từ lớp 6.)

Trên đà phát triển của giáo dục tiếng Nhật và nhu cầu lớn về nguồn nhân lực biết tiếng Nhật như hiện nay, việc thúc đẩy giáo dục tiếng Nhật ở bậc phổ thông là rất quan trọng và mang lại nhiều cơ hội cho học sinh Việt Nam. 

Thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, chương trình SGK giáo dục phổ thông, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Giáo dục Hà Nội (đơn vị thành viên của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) đã ký kết hợp tác với Viện nghiên cứu phát triển Văn hoá, Ngôn ngữ và Giáo dục xây dựng bộ sách giáo khoa Tiếng Nhật bậc phổ thông và thúc đẩy giáo dục tiếng Nhật theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.  

Đây là hoạt động có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đổi mới chương trình giáo dục, hoàn thiện trọn bộ SGK với đầy đủ các môn học ngoại ngữ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT; đáp ứng được các yêu cầu và mục tiêu Chương trình môn Tiếng Nhật đề ra.

Ông Nguyễn Đức Thái – Chủ tịch HĐTV NXB Giáo dục Việt Nam cho biết: “NXB Giáo dục Việt Nam đang khẩn trương biên soạn các bộ SGK mới đầy đủ các môn học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, trong đó có SGK các môn ngoại ngữ (Tiếng Anh, Tiếng Nhật, Tiếng Pháp, Tiếng Đức, Tiếng Hàn, Tiếng Trung, Tiếng Nga). Đây là nhiệm vụ quan trọng của NXB Giáo dục Việt Nam. Đối với tiếng Nhật, NXB Giáo dục Việt Nam mong muốn và hy vọng cùng các bộ SGK Tiếng Nhật, học sinh Việt Nam sẽ có một công cụ giao tiếp mới, hình thành và phát triển cho học sinh năng lực giao tiếp bằng tiếng Nhật ”.

Ông Nguyễn Đức Thái – Chủ tịch HĐTV NXB Giáo dục Việt Nam 

Căn cứ nội dung sau khi kết thúc chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Nhật, học sinh có khả năng giao tiếp đạt trình độ bậc 3 của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, tạo nền tảng cho học sinh sử dụng tiếng Nhật trong học tập, hình thành thói quen học tập suốt đời để trở thành những công dân toàn cầu trong thời kỳ hội nhập.

Ông Ando Toshiki – Giám đốc Trung tâm Giao lưu Văn Hóa Nhật Bản thuộc Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản chia sẻ: “Chính sách dạy ngoại ngữ từ lớp 3 tiểu học trong khuôn khổ Đề án Giáo dục ngoại ngữ Quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo là một chính sách tuyệt vời trong việc giúp Việt Nam phát triển hơn cũng như nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Và chính sự hợp tác ngày hôm nay sẽ giúp cụ thể hóa mục tiêu nói trên ở lĩnh vực tiếng Nhật”.

Việc xây dựng bộ sách giáo khoa Tiếng Nhật bậc phổ thông và thúc đẩy giáo dục Tiếng Nhật theo chương trình GDPT mới có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đổi mới chương trình giáo dục, hoàn thiện trọn bộ SGK với đầy đủ các môn học ngoại ngữ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, đáp ứng được các yêu cầu và mục tiêu chương trình môn Tiếng Nhật đề ra. Bộ sách giáo khoa Tiếng Nhật giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Nhật thông qua các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết. Học sinh sẽ có hiểu biết thêm về đất nước, con người và văn hóa của Nhật Bản; có thái độ và tình cảm tốt đẹp đối với đất nước, con người, nền văn hóa và ngôn ngữ của Nhật Bản.