Trong 4 kỹ năng Nghe - Nói - Đọc - Viết, từ vựng xuất hiện ở khắp nơi và được xem là một phần quan trọng trong tiếng Anh dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, vì từ vựng được xem là sự bắt đầu của việc học ngoại ngữ và quyết định sự thành công của người học. Phương pháp TPR chính là chìa khóa để mở cánh cửa đầu tiên trong hành trình chinh phục ngôn ngữ tiếng Anh của trẻ.
Ba mẹ có biết:
- Học tiếng Anh cần có sự tham gia của cả bán cầu não trái và não phải
- Cách học tiếng Anh hiệu quả nhất là cách học ít áp lực nhất
- Cách giúp trẻ ghi nhớ lâu nhất là giúp con tiếp cận với ngôn ngữ một cách tự nhiên và thoải mái
TPR – Total Physical Response – phản xạ toàn thân đang là một trong những phương pháp học ngoại ngữ toàn diện hiện nay.
Phương pháp TPR là gì?
TPR (Total Physical Response) là phương pháp dạy ngôn ngữ rất ưu việt và toàn diện do giáo sư tâm lý học James Asher thuộc đại học San José State, California, Mỹ phát triển. Phương pháp này dựa trên sự phối hợp giữa ngôn ngữ và vận động thể chất, tập trung phát triển ngôn ngữ thứ hai một cách tự nhiên cho người học. Trong suốt quá trình lĩnh hội kiến thức, người học sẽ vận động cơ thể để tương tác với những câu lệnh bằng lời nói của giáo viên.
Phương pháp TPR tạo cho học sinh phản xạ ngay lập tức với ngôn ngữ mà không cần suy nghĩ quá nhiều, giúp lưu trữ kiến thức trong bộ nhớ dài hạn, vì vậy góp phần nâng cao khả năng nghe - nói của học sinh, đặc biệt giảm sự căng thẳng và áp lực, giúp các con hào hứng và say mê với bài học. Tạo được sự quan tâm rất lớn của các học giả cũng như các giáo viên đang giảng dạy ngoại ngữ trên khắp thế giới, TPR được chứng minh là rất phù hợp và hiệu quả khi áp dụng để truyền đạt các kiến thức ngôn ngữ một cách sinh động, linh hoạt cho đối tượng học sinh nhỏ tuổi.
Lợi ích của phương pháp TPR
- Nâng cao khả năng nghe hiểu: Bằng việc sử dụng ngôn ngữ cơ thể để giải thích ý nghĩa của từ vựng, các em sẽ nghe và hiểu mà không cần chuyển đổi qua ngôn ngữ mẹ đẻ. Từ đó, “xây dựng” kỹ năng phán đoán và nghe - hiểu như một phản xạ tự nhiên.
- Tăng khả năng phản xạ khi giao tiếp: Từ việc nghe - hiểu được rèn luyện, các em sẽ tạo được thói quen không phức tạp hoá ngôn ngữ, làm quen với việc ứng biến hay phỏng đoán theo ngữ cảnh.
- Ghi nhớ và lưu trữ kiến thức lâu dài: Thông qua lặp lại lời nói và bắt chước hành động, từ vựng sẽ được lặp lại với tần suất rất nhiều, khiến mỗi từ các em học được sẽ in sâu vào bộ nhớ một cách tiềm thức.
Bên cạnh đó, với những hoạt động sôi nổi, những bài nhạc vui tươi cùng quá trình giao tiếp liên tục, những giờ học ngôn ngữ sẽ trở thành khoảng thời gian “vừa học vừa chơi” để giảm sự căng thẳng và áp lực cho học sinh, giúp các em hào hứng tham gia lớp với các hoạt động sôi nổi. Kết quả là trẻ có thể ghi nhớ từ vựng tốt hơn và cũng yêu thích các giờ học tiếng Anh hơn.