Tin Tức

Tiếng Nhật trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới

08/25/2022

Theo chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu thực hiện từ năm học 2020, tiếng Nhật trở thành một trong các ngoại ngữ được lựa chọn để học như môn học ngoại ngữ bắt buộc tức ngoại ngữ 1 (bắt đầu học từ lớp 3) và như môn ngoại ngữ 2 (có thể bắt đầu học từ lớp 6). Tiếng Nhật không chỉ giúp học sinh hình thành, phát triển năng lực ngôn ngữ mà còn đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và thời kỳ hội nhập quốc tế của đất nước.

Theo đó để đáp ứng được những yêu cầu học tập cũng như kiểm tra đánh giá kết quả học tập, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thông tư 19/2021/TT-BGDĐT về chương trình giáo dục phổ thông môn Ngoại ngữ 1. Trong đó có Chương trình Giáo dục Phổ thông môn Tiếng Nhật với những đặc điểm môn học riêng biệt, quan điểm xây dựng chương trình và mục tiêu chương trình cần đạt ở từng cấp học. Trong bài viết dưới đây hãy cùng Sách Mềm tìm hiểu các thông tin trong thông tư này với Chương trình Giáo dục Phổ thông môn Tiếng Nhật nhé.

Đặc điểm môn học 

Môn Tiếng Nhật - Ngoại ngữ 1 là môn học được tổ chức giảng dạy từ lớp 3 đến hết lớp 12, giúp học sinh hình thành, phát triển năng lực ngoại ngữ để sử dụng một cách tự tin, hiệu quả, phục vụ cho việc học tập và giao tiếp, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của đất nước. 

Chương trình môn Tiếng Nhật ngoại ngữ 1, hệ 10 năm được xây dựng theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam với tổng thời lượng là 1155 tiết (mỗi tiết 45 phút) bao gồm cả các tiết ôn tập, kiểm tra và đánh giá. 

Chương trình được chia thành ba giai đoạn ứng với các cấp học: tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Kết thúc tiểu học, trình độ năng lực giao tiếp bằng tiếng Nhật của học sinh tương đương với Bậc 1; kết thúc trung học cơ sở, trình độ năng lực giao tiếp bằng tiếng Nhật của học sinh tương đương với Bậc 2; kết thúc phổ thông trung học, trình độ năng lực giao tiếp bằng tiếng Nhật của học sinh tương đương với Bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. 

Nội dung chương trình được xây dựng theo hệ thống các chủ điểm, chủ đề về các lĩnh vực gần gũi trong cuộc sống hằng ngày, phù hợp với lứa tuổi học sinh, về đất nước, con người, văn hóa Nhật Bản, Việt Nam và các nước khác trên thế giới nhằm cung cấp kiến thức ngôn ngữ, tri thức văn hoá - xã hội liên quan đến các chủ điểm, chủ đề và rèn luyện, phát triển kỹ năng giao tiếp tiếng Nhật cơ bản, bồi dưỡng khả năng vận dụng ngôn ngữ toàn diện cho học sinh.

Quan điểm xây dựng chương trình

Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Nhật thực hiện tuân thủ các quy định được nêu trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo về định hướng chung cho tất cả các môn học và định hướng xây dựng chương trình môn Ngoại ngữ. Được thiết kế dựa trên nền tảng các kết quả nghiên cứu về giáo dục, tâm lý học và phương pháp dạy học ngoại ngữ hiện đại từ đầu thế kỷ XXI đến nay, đảm bảo học sinh là trung tâm của quá trình học tập. 

Mục tiêu chung chương trình

Mục tiêu chung của Tiếng Nhật trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới nhằm trang bị cho học sinh năng lực giao tiếp bằng tiếng Nhật và những kiến thức cần thiết để có thể giao tiếp trong môi trường quốc tế hóa. Cung cấp cho học sinh kiến thức ngôn ngữ cơ bản, rèn luyện kỹ năng ngôn ngữ và hình thành cho học sinh khả năng giao tiếp bằng tiếng Nhật trong những tình huống giao tiếp cơ bản của cuộc sống thường nhật ở trình độ Bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Cung cấp cho học sinh một số đặc điểm cơ bản trong văn hóa Nhật Bản và mối quan hệ giữa văn hóa Nhật Bản với văn hoá Việt Nam, làm giàu thêm vốn kiến thức về văn hoá thế giới và khu vực, góp phần củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống Việt Nam - Nhật Bản. 

Mục tiêu cần đạt ở các cấp học

Chương trình Giáo dục Phổ thông môn Tiếng Nhật có những yêu cầu cụ thể với các cấp học riêng biệt sau khi hoàn thành chương trình học như sau: 

Đối với cấp tiểu học

Sau khi hoàn thành Chương trình tiếng Nhật cấp tiểu học, học sinh đạt trình độ tiếng Nhật 1/6 theo Khung Năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. 

  • Có thể hiểu và sử dụng được những cách diễn đạt quen thuộc, thường nhật và những câu thật đơn giản để thể hiện nhu cầu cụ thể trong những tình huống giao tiếp thông thường và quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày, như chào hỏi, nói về họ tên, hỏi và nói về số lượng của đồ vật, ngày tháng, màu sắc, kích thước, vị trí của đồ vật v.v.. 
  • Có thể tự giới thiệu bản thân và giới thiệu người khác, đặt những câu hỏi đơn giản để tìm hiểu về người trò chuyện với mình: họ sống ở đâu, họ quen biết ai, họ có những vật dụng gì, và có thể trả lời những câu hỏi tương tự của người tham gia hội thoại. 
  • Nắm được một số kiến thức cơ bản về từ vựng, ngữ âm, ngữ pháp và chữ viết tiếng Nhật; biết và sử dụng được 50 chữ Hiragana, 50 chữ Katakana, khoảng 50 chữ Hán, khoảng 900 từ vựng trong đó có khoảng 600 từ thuộc vốn từ chủ động (là những từ học sinh bắt buộc phải nhớ và sử dụng thành thạo), khoảng 40 cấu trúc ngữ pháp. 

Đối với cấp trung học cơ sở 

Học sinh đạt trình độ tiếng Nhật 2/6 theo Khung Năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. 

  • Có thể hiểu được những điểm chính của các văn bản (nói và viết) bằng tiếng Nhật về những vấn đề quen thuộc, liên quan đến bản thân, gia đình, sức khỏe, bạn bè, thầy cô, cuộc sống, xung quanh, thời tiết v.v.. 
  • Có thể xử lý được phần lớn các tình huống gặp phải khi giao tiếp bằng tiếng Nhật, diễn đạt một cách đơn giản và logic bằng tiếng Nhật về những chủ đề quen thuộc cũng như những lĩnh vực bản thân quan tâm. 
  • Nắm được thêm một số kiến thức về từ vựng, ngữ pháp, ngữ âm và chữ viết tiếng Nhật; biết và sử dụng thêm được khoảng 1200 từ vựng (trong đó có khoảng 800 từ thuộc vốn từ chủ động), khoảng 240 chữ Hán, khoảng 100 cấu trúc ngữ pháp.

Đối với cấp trung học phổ thông 

Học sinh đạt trình độ tiếng Nhật 3/6 theo Khung Năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. 

  • Có thể giao tiếp bằng tiếng Nhật trong hầu hết các tình huống thông thường, thể hiện được quan điểm của bản thân và những sắc thái tình cảm cơ bản trong giao tiếp bằng tiếng Nhật. 
  • Củng cố kiến thức về từ vựng, ngữ pháp, ngữ âm và chữ viết tiếng Nhật; biết và sử dụng thêm được khoảng 1200 từ vựng (trong đó khoảng 800 từ thuộc vốn từ chủ động), khoảng 252 chữ Hán, khoảng 85 cấu trúc ngữ pháp. 

Thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, chương trình SGK giáo dục phổ thông, NXBGDVN  đang khẩn trương biên soạn các bộ SGK mới đầy đủ các môn học theo Chương trình GDPT 2018, trong đó có SGK Tiếng Nhật. NXBGDVN mong muốn và hy vọng cùng các bộ SGK Tiếng Nhật, học sinh Việt Nam sẽ có một công cụ giao tiếp mới thông qua việc hình thành và phát triển cho học sinh năng lực giao tiếp bằng tiếng Nhật.

Trên đây là những thông tin cơ bản về Chương trình Giáo dục Phổ thông môn tiếng Nhật được ban hành trong thông tư số 19/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo Dục Và Đào Tạo. Mong rằng sẽ giúp thầy cô và các em học sinh hiểu rõ hơn về chương trình môn Tiếng Nhật - Ngoại ngữ 1. Chúc quý thầy cô cùng các em học sinh sẽ có những giờ học Tiếng Nhật thật hiệu quả và đong đầy thêm hành trang kiến thức vững bước vào tương lai.